Vào một buổi chiều xuân, một đội kỵ binh mặc áo giáp trụ rực rỡ, chạy nhanh như điện chớp, vượt qua quãng rừng hoang. Ở phía sau đoàn lính có mấy người mang kiếm theo hầu một vị đại tướng. Đằng sau vị đại tướng lại có một chiếc xe song mã đường đường lộng lấy; người ngồi trong xe ấy là một bậc quân vương đương thời – Sở Trang Vương.
Cứ mỗi năm một lần, nhà vua xuất cung đi săn bắn chỉ khuây khỏa nỗi u buồn nơi chốn hoàng cung.
Sở Trung Vương có một viện đại tướng là Dưỡng Do Cơ. Kỹ thuật bắn cung của ông cực kỳ điêu luyện, trăm phát trăm trúng, nên rất được vua Sở thương yêu và tin tưởng. Khi đoàn săn bắn vào rừng, lùng sục khắp nơi, thì nai dê, chồn thỏ bị chạy tứ tán. Tại giữa rừng sâu có một cây cổ thụ cao vút tật trời xanh. Trên cây có một con vượn già đang vui đùa chuyền từ cành này sang cành khác. Sở Vương lập tức ra lệnh cho Dưỡng Do Cơ hạ ngay con vượn ấy.
Dường như con vượn ấy hiểu được tiếng người, trông thấy Dưỡng Do Cơ đột nhiên phi ngựa tới, nó bèn lấy tay che má mà khóc, nước mắt chảy ròng ròng, kêu la rất bi thảm. Sở Vương liền ra lệnh cho Do Cơ ngưng bắn và hỏi ông:
– Vì lẽ gì mà vượn già che mặt khóc?
Do Cơ liền tâu với nhà vua:
– Tâu đại vương, giống vượn này có tay dài, rất tinh khôn có thể thu hút được khí thiêng của trời đất, nó biết thần có tài thiện xạ, hễ mũi tên buông ra là trúng ngay mục tiêu, nó nghĩ không thể nào tránh được lằn tên cực mạnh của thần, chắc chắn phải chết, nên mới che mặt mà khóc.
Sở Vương buông tiếng thở dài, cảm kích vô vàn, lòng từ bi bỗng dưng phát sinh, lập tức ra lệnh cho thuộc hạ đình cuộc săn bắn, rồi trở về hoàng cung. Từ ấy, Sở Vương trở thành một vị vua rất nhân từ được người người ca ngợi.